Có một 'thủ phủ' FDI mới sau sáp nhập tỉnh thành

Admin

01/07/2025 16:51

Tính theo số liệu 5 tháng đầu năm, TP.HCM mới là quán quân thu hút FDI cả nước, trong khi Ninh Bình vào nhóm 6 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước.

Sau sáp nhập, TP.HCM trở thành "thủ phủ" thu hút FDI của cả nước. Ảnh: Quỳnh Danh.

Kể từ hôm nay (1/7), cả nước còn 34 tỉnh, thành phố, thay vì 63 như trước đây. Việc sắp xếp lại các tỉnh, thành tạo điều kiện để các địa phương mở rộng không gian phát triển.

Sau sáp nhập, không ít tỉnh, thành phố trở thành những đầu tàu kinh tế, trong đó nhiều “thủ phủ” về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng được hình thành.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG THU HÚT VỐN FDI LỚN NHẤT CẢ NƯỚC TỪ ĐẦU NĂM 2025
Số liệu 5 tháng đầu năm.
Nhãn TP.HCM Hà Nội Bắc Ninh Đồng Nai Hải Phòng Ninh Bình Tây Ninh Hưng Yên

tỷ USD 4.028 3.236 3.087 1.856 1.115 1.113 0.981 0.973

TP. HCM

Với việc sáp nhập thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu - hai địa phương nằm trong top đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) - TP.HCM đã vươn lên thành đầu tàu thu hút FDI của cả nước.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5, giá trị FDI vào khu vực mới này đạt mức cao nhất cả nước với 4,027 tỷ USD.

TP.HCM sau sáp nhập có 19.224 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký lên tới hơn 140 tỷ USD, theo số liệu cập nhật đến hết tháng 5.

Hà Nội

Dù không sáp nhập với các địa phương khác, Thủ đô Hà Nội vẫn là khu vực thu hút dòng vốn FDI thuộc nhóm đầu. 5 tháng đầu năm này, FDI vào Hà Nội đạt 3,236 tỷ USD.

Những năm gần đây, TP Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn thu hút nhà đầu tư. Đồng thời, chính quyền Thủ đô tập trung cải cách thủ tục hành chính, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư…

Bắc Ninh

Trước sáp nhập, Bắc Ninh cũng từng là "thủ phủ" thu hút FDI của cả nước. Riêng tháng 5 vừa qua, tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 37 dự án với tổng vốn đăng ký 106,3 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 23 dự án với số vốn điều chỉnh tăng 671 triệu USD.

Tỉnh này là điểm đến quen thuộc của các nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn, từ các nước lớn khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Để phát huy thế mạnh, Bắc Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp công nghệ số...

Bắc Giang (cũ), nhờ lợi thế về chính sách, hạ tầng và quỹ đất, cũng đã trở thành một trong những trung tâm hút vốn FDI lớn tại miền Bắc. 5 tháng đầu năm, tỉnh (cũ) này thu hút gần 307 triệu USD vốn FDI, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và công nghệ cao.

Bắc Ninh và Bắc Giang sáp nhập, hình thành tỉnh Bắc Ninh mới. Tính theo số liệu 5 tháng, tỉnh mới đứng thứ 3 cả nước về FDI, với khoảng 3,087 tỷ USD. Toàn tỉnh có khoảng 3.290 dự án có vốn ngoại với tổng vốn 46,074 tỷ USD.

Đồng Nai

Kết hợp với Bình Phước, Đồng Nai mới thu hút 1,855 tỷ USD vốn FDI, xếp thứ 4 toàn quốc. Tính đến hết tháng 5, có 2.565 dự án FDI với tổng vốn 44,280 tỷ USD đổ vào địa phương này.

Có lợi thế về hạ tầng nhờ các dự án giao thông huyết mạch như như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, đường sắt Bắc - Nam, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp hoàn thành, tỉnh Đồng Nai mới được dự báo là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp ngoại, nhất là doanh nghiệp từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Hải Phòng

Hải Phòng sở hữu hệ thống cảng biển hiện đại, đặc biệt là cảng Lạch Huyện - cảng nước sâu đầu tiên ở miền Bắc, cùng với sân bay quốc tế Cát Bi và mạng lưới giao thông kết nối thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Thành phố cũng có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế đã được quy hoạch và phát triển đồng bộ, thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư. Tuy nhiên, Hải Phòng cũng đối mặt với một số thách thức, như quỹ đất công nghiệp hạn chế, chi phí thuê đất và nhân công có xu hướng tăng, và áp lực về môi trường do quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng.

Trong khi đó, với vị trí địa lý thuận lợi nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng, quỹ đất công nghiệp lớn, nguồn nhân lực dồi dào và chi phí cạnh tranh, Hải Dương (cũ) đã và đang trở thành “vệ tinh chiến lược” hấp dẫn với nhiều tập đoàn công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao.

Sáp nhập Hải Phòng và Hải Dương, 2 tỉnh có thể tận dụng những thế mạnh của nhau để trở thành trung tâm thu hút FDI của cả nước. Thực tế, tổng vốn FDI vào 2 tỉnh này trong tháng 5 đầu năm đã đạt 1,114 tỷ USD FDI và xếp thứ 5 cả nước. Toàn tỉnh có 1.971 dự án có vốn FDI, tương đương 44,46 tỷ USD.

Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình mới hình thành trên cơ sở sáp nhập Hà Nam và Nam Định với Ninh Bình.Việc hợp nhất 3 tỉnh bù đắp những hạn chế về diện tích và dân số, đồng thời góp phần tăng quy mô kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát huy tối đa thế mạnh về các ngành kinh tế chủ lực như du lịch, công nghiệp, công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn di sản.

5 tháng đầu năm, tổng vốn FDI vào 3 tỉnh đạt 1,112 tỷ USD, xếp thứ 6 trên 34 tỉnh, thành phố mới. Địa phương này cũng có gần 750 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đạt 14,087 tỷ USD.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Có một 'thủ phủ' FDI mới sau sáp nhập tỉnh thành" tại chuyên mục Tài chính.