Là một bà mẹ có con học lớp 4, tôi từng nghĩ: Nếu hè không học gì, con sẽ quên sạch kiến thức. Từng lo: Nếu con mình không học trước, còn con nhà người ta học hết cả chương trình, thì vào năm học mới liệu con có theo kịp?
Vì thế, suốt mấy năm, hè nào tôi cũng đăng ký cho con đi học thêm vào giữa kỳ nghỉ hè để ôn luyện kiến thức cũ, thậm chí học trước chương trình mới. Không phải ép buộc, nhưng thực lòng mà nói, tôi không thấy mình có nhiều lựa chọn. Tôi sợ con tụt lùi. Tôi sợ làm mẹ mà không lo học hành cho con thì sẽ bị gọi là "thiếu trách nhiệm". Tôi sợ khi khai giảng, con tôi ngơ ngác trong khi các bạn đã "biết hết rồi".
Có hôm con mệt mỏi bảo: "Mẹ ơi, mai đừng đi nữa được không?", tôi lại nịnh: "Cố tí thôi con, học trước một chút cho đỡ vất vả năm sau".

Ảnh minh hoạ
Rồi một hôm, tôi bắt gặp con ngồi thừ trước bàn học, tay nắm bút mà mắt nhìn xa xăm. Tôi hỏi, con bảo: "Con chỉ muốn hè được nghỉ thật sự thôi". Câu nói ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Nhưng tôi vẫn chưa đủ dũng cảm để cho con nghỉ. Bởi nếu tôi cho con dừng, mà những đứa trẻ khác vẫn tiếp tục chạy, chẳng phải con tôi sẽ tụt lại à?
Tôi từng nghĩ mình lo xa. Nhưng khi hỏi chuyện các phụ huynh khác, tôi mới thấy mình không đơn độc. Gần như ai cũng sợ con không theo kịp, sợ bị đánh giá. Những nỗi sợ ấy không phải do con trẻ tạo ra. Mà do người lớn, từ trường học, giáo viên, xã hội vô tình (hoặc cố ý) tạo nên một mặt trận học hành suốt bốn mùa, nơi nghỉ ngơi trở thành một "tội lỗi" âm thầm.
Nhưng rồi, đến một ngày, tôi gom đủ dũng khí để dừng lại. Tôi quyết định không đăng ký học thêm nữa, trả lại cho con một mùa hè đúng nghĩa. Tôi đưa con về quê hai tuần để hít thở không khí đồng quê, nghe tiếng gà gáy, ngắm cánh đồng mùa gặt. Sau đó, tôi cho con học bơi, tham gia một lớp kỹ năng sống. Còn lại, tôi để con tự do: chơi, vẽ, đọc sách, giúp mẹ việc nhà, thậm chí là… chán. Vì tôi tin, những trải nghiệm ấy cũng dạy con trưởng thành, cũng đáng giá không kém bất kỳ điểm số nào.
Chính vì thế, khi đọc tin Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố không được tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp hè năm 2025, tôi thực sự thấy… nhẹ cả người.
Chỉ đạo này không phải lần đầu được ban hành, nhưng mỗi mùa hè, nó vẫn như một lời nhắc nhở cần thiết: Rằng trẻ em xứng đáng có một mùa nghỉ đúng nghĩa. Với nhiều phụ huynh như tôi, đó là một sự đồng thuận từ phía nhà trường, một chỗ dựa để có thể an tâm buông bỏ những áp lực vô hình. Không còn phải giằng co giữa mong muốn cho con được nghỉ ngơi và nỗi lo con tụt lại. Không còn phải thuyết phục chính mình rằng "học trước cho đỡ vất vả", rồi lại chứng kiến ánh mắt xa xăm của con bên bàn học.
Nhiều cha mẹ sẽ không còn phải chọn giữa việc "muốn cho con nghỉ" và "sợ con tụt hậu". Lần đầu tiên, tôi cảm thấy có một bàn tay đỡ mình, giúp mình dừng lại, một cách chính đáng và yên tâm.
Học thêm là nguyện vọng chính đáng, nhưng...
Tôi không phủ nhận: Học thêm, nếu đúng cách, là quyền lựa chọn chính đáng. Có những đứa trẻ ham học, muốn tìm hiểu thêm ngoài sách giáo khoa. Có những môn học cần thời gian để đào sâu, rèn luyện kỹ năng.
Khi học thêm trở thành lựa chọn tự nguyện, có kế hoạch rõ ràng, thời lượng phù hợp và mục tiêu cụ thể, nó có thể là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc học tập. Nhưng nếu nó biến thành một áp lực không tên, khiến trẻ phải căng thẳng, mất đi thời gian vui chơi, nghỉ ngơi, thậm chí là mất cảm hứng với việc học, thì đó lại là một vấn đề.
Đặc biệt là ở bậc tiểu học, nơi trẻ cần được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, thì việc bắt các em phải học thêm dày đặc trong hè không chỉ gây áp lực lớn cho trẻ mà còn khiến cha mẹ phải vất vả "chạy đua" lớp học.
Nhưng đáng tiếc, thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh (như tôi đã từng) cho con học thêm không hẳn vì muốn nâng cao, mà là để "không thua thiệt". Không phải học để hiểu, mà học để theo kịp một cuộc đua âm thầm: ai học trước nhiều hơn, người đó nhẹ đầu hơn khi vào năm học. Và chính điều đó mới đáng lo, khi mục đích học tập bị lệch hướng, còn đứa trẻ thì mất đi cơ hội được nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Cấm dạy thêm hè, với nhiều người có thể là điều khó hiểu. Nhưng với tôi, một người mẹ từng "tự nguyện" cho con đi học hè, nhưng luôn trong nỗi bất an, đó là một cú huých cần thiết. Vì thật ra, tôi luôn biết, con cần được nghỉ. Trẻ con học suốt 9 tháng trời, mệt như người lớn đi làm. Vậy mà hè cũng chẳng được nghỉ đúng nghĩa… Con lớn lên trong vòng xoáy học hành, mà chẳng biết mùa hè là gì.
Nghỉ một mùa hè không khiến con thụt lùi. Nhưng nếu không có mùa hè nào để nghỉ, con sẽ lớn lên trong mệt mỏi – và đánh mất phần tuổi thơ không gì lấy lại được.
Không cho học hè, con "ôm" điện thoại thì sao?
Nhiều người có thể phản biện rằng: "Cấm học hè thì trẻ ở nhà chơi điện thoại cả ngày à?". Nhưng tôi tin, nếu chúng ta tin tưởng con, đồng hành đúng cách, mùa hè có thể trở thành cơ hội tuyệt vời cho những bài học khác ngoài sách vở.
Khi chúng ta để con học trước chương trình, có thể chúng ta nghĩ mình đang giúp con bớt vất vả. Nhưng thực chất, ta đang bóp méo mục tiêu giáo dục: Biến lớp học thành nơi ôn lại, chứ không phải khám phá điều mới.
Con trẻ đến lớp không còn sự háo hức, vì thứ cô dạy, con đã "học đâu đó rồi". Lớp học bỗng thành nhà máy kiểm tra, chấm điểm, thi đua. Mà không còn là nơi khơi mở sự tò mò, đặt câu hỏi, học cách học.
Tất nhiên, tôi vẫn hiểu rằng, hè không học gì thì vào năm học mới, con có thể bị "khớp" ít nhiều. Nhưng tôi nghĩ, cách hỗ trợ con không nhất thiết phải là nhồi thêm kiến thức. Hè này, tôi sẽ cùng con ôn lại một vài dạng bài cơ bản mỗi tuần, ngắn gọn, vui vẻ, không ép buộc. Chỉ cần giữ cho não bộ "không quên sạch", là đủ. Tôi cũng dự định cùng con đọc sách, có thể là truyện, hoặc sách khoa học dễ hiểu để con không ngắt kết nối hoàn toàn với việc học.
Tôi hy vọng, từ chính sách lần này, phụ huynh như tôi sẽ có thêm lý do để tin rằng: Nghỉ hè không phải là lười biếng, mà là một phần của sự phát triển toàn diện. Trẻ con không cần học trước để giỏi hơn bạn, mà cần được lớn lên một cách vui vẻ, đủ đầy và lành mạnh.
Có thể đối với người lớn, chỉ đạo của Sở chỉ là một văn bản hành chính. Nhưng đối với những đứa trẻ và những người mẹ như tôi – đó là món quà thực sự đáng quý: Món quà mang tên "mùa hè được nghỉ ngơi".
Hoặc