Vi nhựa hiện diện ở hầu hết mọi thứ mà chúng ta tiếp xúc, từ thực phẩm, nước uống đến quần áo, dụng cụ nhà bếp, các vật dụng gia đình và có thể xâm nhập vào cơ thể con người, trang Daily Mail viết.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng vi nhựa (các hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm) đã được phát hiện trong cơ thể, bao gồm trong máu, nước bọt, nhau thai và xâm nhập vào các cơ quan quan trọng như thận, não bộ.
Các nghiên cứu bổ sung cho thấy vi nhựa còn có thể gây rối loạn hormone, viêm nhiễm và gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, bệnh viêm ruột và các bệnh lý khác.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng lo ngại vi nhựa có thể gây kích ứng mắt và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp như ho và thở khò khè.
Hình ảnh tiết lộ tác hại của vi nhựa với cơ thể
Trong bản báo cáo từ Business Waste (công ty quản lý chất thải nhựa và tái chế hàng đầu tại Anh), các nhà nghiên cứu đã sử dụng AI thiết lập một người đàn ông và một phụ nữ trẻ, khỏe mạnh.
Sau đó, các nhà nghiên cứu nhập các dữ liệu nghiên cứu về tác hại của vi nhựa với sức khỏe để mô phỏng những thay đổi trên cơ thể của hai nhân vật AI khi phải tiếp xúc với vi nhựa ở 3 mức độ ít, trung bình và nhiều.
Ở mức độ ít vi nhựa, hai nhân vật AI đã tiếp xúc với vi nhựa qua thực phẩm, đồ uống và môi trường xung quanh. Kết quả cho thấy tiếp xúc với một lượng nhỏ vi nhựa gây ảnh hưởng đến hormone, khiến da của 2 nhân vật AI khô, đỏ và kích ứng.


Da của 2 nhân vật AI khô, đỏ và kích ứng sau khi tiếp xúc với một lượng nhỏ vi nhựa.
Ở mức độ trung bình, các nhà nghiên cứu cho biết 2 nhân vật AI tiếp xúc với vi nhựa thông qua việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn (thường trong bao bì nhựa), hải sản chứa lượng lớn vi nhựa và mặc quần áo làm từ vải chứa nylon và polyester.
Các nhà nghiên cứu cho biết hình ảnh trả về cho thấy 2 nhân vật AI bị kích ứng da nghiêm trọng hơn mức độ 1. Tình trạng rối loạn hormone khiến da mặt tăng tiết dầu thừa và bắt đầu có dấu hiệu lão hóa. Các rối loạn hormone này cũng có thể dẫn đến thay đổi cân nặng và các vấn đề tiêu hóa.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu 2 nhân vật được thiết lập sống ở các khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao, họ có thể gặp thêm tình trạng kích ứng, đỏ mắt, khó thở, ho và thở khò khè.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho rằng 2 nhân vật AI có thể bị mệt mỏi và sương mù não (tình trạng gây khó tập trung, mệt mỏi, hay quên,...) do cơ thể phải vật lộn với những tác động từ vi nhựa.


Tình trạng rối loạn hormone do tiếp xúc với vi nhựa khiến da mặt tăng tiết dầu thừa và bắt đầu có dấu hiệu lão hóa.
Và ở mức độ vi nhựa nhiều, các nhà nghiên cứu cho 2 nhân vật AI tiếp xúc với vi nhựa trong môi trường làm việc như quản lý chất thải, ngành công nghiệp làm vải tổng hợp và các ngành sản xuất nhựa.
Hai nhân vật AI cũng được thêm dữ liệu như uống nước nhiễm vi nhựa, dùng dụng cụ nấu ăn bằng nhựa, mặc quần áo làm từ vải chứa polyester, nylon và acrylic.
Kết quả hình ảnh trả về cho thấy cả hai nhân vật AI bị viêm da nghiêm trọng và có các dấu hiệu lão hóa da rõ rệt. Màu sắc da của 2 nhân vật thay đổi rõ rệt, trên da xuất hiện các nốt mụn sưng, viêm đỏ. Môi và đầu ngón tay của 2 nhân vật AI chuyển sang màu xanh tím.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khi tiếp xúc với lượng lớn vi nhựa, tình trạng rối loạn hormone xảy ra nghiêm trọng hơn, có thể gây rụng tóc, thay đổi cân nặng và làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt.


Da của hai nhân vật AI bị lão hóa rõ rệt khi tiếp xúc với lượng lớn vi nhựa.
Mark Hall, một chuyên gia về chất thải nhựa tại công ty tái chế Business Waste, cho biết: “Rõ ràng là có rất nhiều dấu hiệu đáng lo ngại về cách mà vi nhựa này có thể ảnh hưởng đến chúng ta. Những hình ảnh chúng tôi tạo ra dựa trên các kết quả nghiên cứu và cho thấy tình trạng đáng báo động. Chúng tôi hy vọng những hình ảnh này sẽ khiến mọi người chú ý và quan tâm hơn đến vấn đề vi nhựa và rác thải nhựa”.
Cách giảm thiểu vi nhựa
Thông qua thử nghiệm, chuyên gia Hall đề xuất một số cách để giúp mọi người giảm tiếp xúc với vi nhựa, bao gồm:
- Hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần và nước đóng chai.
- Sử dụng các loại vải làm bằng chất liệu tự nhiên như cotton và len.
- Ăn thực phẩm hữu cơ, tươi sống, hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn.
- Thay thế thớt và dụng cụ nấu ăn bằng nhựa thành vật dụng làm từ gỗ, inox.
- Sử dụng hộp đựng thực phẩm bằng thủy tinh, gốm sứ thay vì hộp nhựa.
Hoặc