Lê Văn Trung: Từ nghị viên đến doanh nhân Kỳ 2: Người sáng lập đạo Cao Đài

Admin

03/12/2024 04:15

Từ giã công việc kinh doanh và sự nghiệp chính trị, doanh nhân Lê Văn Trung đã cùng một số trí thức, doanh nhân của Nam Kỳ tham gia vào việc thành lập đạo Cao Đài và ông trở thành Đức Quyền Giáo tông đạo Cao Đài.

Doanh nhân xưa

Lê Văn Trung: Từ nghị viên đến doanh nhân Kỳ 2: Người sáng lập đạo Cao Đài

Thanh An (tổng hợp) • 15/11/2024 06:01

Từ giã công việc kinh doanh và sự nghiệp chính trị, doanh nhân Lê Văn Trung đã cùng một số trí thức, doanh nhân của Nam Kỳ tham gia vào việc thành lập đạo Cao Đài và ông trở thành Đức Quyền Giáo tông đạo Cao Đài.

Đầu năm 1926, sự nghiệp kinh doanh của Lê Văn Trung chấm dứt sau nhiều thất bại. Việc này đã làm ông vô cùng đau buồn và khiến ông chọn hút thuốc phiện như một biện pháp giải tỏa những nỗi khổ trong cuộc sống. Do nghiện thuốc phiện, sức khỏe của ông dần suy yếu, thị lực giảm nhiều, chỉ thấy mọi vật lờ mờ.

Giữ chức Giáo chủ

Lúc bấy giờ, một người bà con với ông là hội đồng Nguyễn Hữu Đắc đã giới thiệu Lê Văn Trung với với ông Ngô Văn Chiêu và Phạm Công Tắc tham gia những buổi họp về tâm linh và cầu cơ. Theo lời khuyên của người thân và bạn bè, Lê Văn Trung tích cực tham gia vào các hoạt động này và thể chất và tinh thần dần tốt lên. Ông bắt đầu tỉnh ngộ, chuyên tâm tu hành và ăn chay, bỏ hút thuốc phiện nên mắt dần sáng lại.

doanh-nhan-xua_h1_duc-quyen-giao-tong-le-van-trung-nam-1930-nguon-flickr.com-.jpgĐức Quyền Giáo tông Lê Văn Trung năm 1930

Theo tài liệu của đạo Cao Đài thì vào ngày 7/1/1926, các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc đã đem Đại ngọc cơ đến nhà ông Lê Văn Trung để cầu cơ. Tại lần cầu cơ này, ông được nhận làm môn đồ. Từ đó, ông bắt đầu lập bàn thờ đạo tại tư gia, dốc lòng cùng với ông Phạm Công Tắc và Cao Quỳnh Cư lo việc mở đạo.

Lê Văn Trung là một trong số môn đồ tích cực truyền đạo khắp các tỉnh Nam Kỳ. Là người có quan hệ rộng với các giới trong chính quyền nên ông được sự tin cậy của nhóm để tiếp xúc, ngoại giao với công quyền.

Đến ngày 21/2/1926, trong một buổi cầu cơ tại nhà ông Vương Quang Kỳ, một bài thơ được lưu truyền là cơ giáng của thượng đế, trong đó có tên của 13 người, về sau được tín đồ Cao Đài xưng tụng là những tín đồ đầu tiên của đạo, với ông Ngô Văn Chiêu được tôn xưng Anh Cả. Lê Văn Trung là người được xưng danh thứ ba, chỉ sau Ngô Văn Chiêu và Thượng Kỳ Thanh (Vương Quang Kỳ).

Từ đó, Lê Văn Trung trở thành một trong số các môn đồ tích cực truyền đạo khắp các tỉnh Nam Kỳ. Vì ông là người có quan hệ rộng với các giới trong chính quyền, thượng lưu người Việt và Pháp do những năm làm việc ở Hội đồng Quản hạt, được sự tin cậy của nhóm để tiếp xúc, ngoại giao với công quyền.

Để chính thức hóa việc thành lập đạo Cao Đài, ngày 7/10/1926, các tín đồ đầu tiên thuộc các nhóm cầu cơ ở Sài Gòn, Chợ Lớn đã gửi Thống đốc Nam Kỳ bản tuyên cáo lập đạo với chữ ký của 28 tín đồ. Ngô Văn Chiêu được đề cử làm Giáo chủ nhưng ông Chiêu không nhận vì theo đạo tu thân khắc kỷ nhiều hơn là thuộc diện có tính phổ độ thu nhận tín đồ làm lớn đạo. Vì vậy, Lê Văn Trung được đề cử giữ chức Giáo chủ của đạo.

Thi hành các phận sự Giáo tông

Ngày 19/11/1926, các tín đồ Cao Đài đã tổ chức lễ Khai đạo tại chùa Gò Kén ở Tây Ninh và ra mắt Hội thánh Đại đạo Tam kỳ phổ độ. Rất đông người tham dự, trong đó có đại diện quan chức chính quyền người Pháp và người Việt. Từ đó, đạo Cao Đài trở thành tôn giáo lớn ở vùng Đông Nam Bộ.

doanh-nhan-xua_h2_cac-tin-do-cua-dao-cao-dai-thuc-hien-nghi-le-nguon-flickr.com-.jpgTín đồ thực hiện một nghi lễ của đạo Cao Đài

Tờ Công luận báo số ra ngày 24 và 25/9/1928 đăng bài viết về sự phát triển nhanh chóng của đạo Cao Đài như sau: “Đạo Cao Đài mới xuất hiện có hai năm trời, mà đã chiêu tập được trên 70 vạn tín đồ, có quan, có dân, có bọn nhà giàu, có trang học vấn, chẳng thiếu một hạng nào”.

Với nỗ lực phát triển đạo của tín đồ, đạo Cao Đài nhanh chóng phát triển về số lượng. Tuy nhiên, dù đã hình thành tổ chức Hội thánh, các tín đồ cao cấp lại có những bất đồng về cách thức nghi lễ, truyền giáo, tổ chức giáo hội. Điều này dẫn đến việc nhiều nhóm tín đồ tổ chức hoạt động độc lập. Với sự giúp đỡ của các chức sắc cao cấp Hiệp thiên đài, Lê Văn Trung đã có nhiều cố gắng ngăn chặn xu hướng ly khai của tín đồ, cũng như đối ngoại với chính quyền, nhằm giữ gìn và phát triển nền đạo non trẻ. Trong buổi cầu cơ ngày 22/11/1930, một quyết định được ban ra, phong cho ông thi hành các phận sự Giáo tông về phần xác để chính thức điều hành hoạt động của Hội thánh.

Với tư cách đạo đức, sự nhiệt tình của Giáo chủ Lê Văn Trung, việc truyền giáo ngày càng phát triển mạnh, tổ chức Hội thánh cũng dần hoàn thiện. Mặt khác, Lê Văn Trung còn có tác động lớn đến chính quyền thực dân Pháp, buộc họ phải nới lỏng các biện pháp hạn chế sự phát triển của đạo Cao Đài.

Bên cạnh đó, với nỗ lực cùng với các đạo hữu thân tín, đặc biệt là Hộ pháp Phạm Công Tắc, Lê Văn Trung đã cố gắng xây dựng quỹ tài chính đạo một cách độc lập, giảm dần sự phụ thuộc vào các chức sắc giàu có, vốn thiên nhiều vào xu hướng độc lập cát cứ hoặc lũng đoạn Hội thánh. Chính những nỗ lực của ông đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành cơ sở để Hộ pháp Phạm Công Tắc xây dựng và phát triển mạnh mẽ Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh sau này, vượt qua các hệ phái ly khai.

“Sự nghiệp, công đức của ông Lê Văn Trung là lớn nhất ở Nam Kỳ”
Ngày 19/11/1934, Đức Quyền Giáo tông Lê Văn Trung qua đời do bệnh nặng tại Giáo Tông đường Tòa thánh Tây Ninh, hưởng thọ 59 tuổi, sau 4 năm giữ chức Giáo chủ và 9 năm lo việc phát triển đạo Cao Đài. Tang lễ của ông được tổ chức rất long trọng với sự tham dự từ đại diện Chính phủ Pháp và tín đồ đạo Cao Đài.
Nhà báo Diệp Văn Kỳ có viết bài chia buồn về sự ra đi của Giáo chủ Lê Văn Trung như sau: “Chúng tôi chỉ biết rằng, từ hôm ông chết đến nay, ở Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, số người mỗi ngày đến chịu tang, lấy muôn mà kể. Già trẻ, bé lớn, đàn ông
đàn bà ở Lục tỉnh, ở Nam Vang, ở Lào, thảy đều thương tiếc khóc than, chẳng khác nào như con mất cha mẹ. Nếu có thể lấy những "chuôn" vải trắng bịt trên đầu để làm thước đặng đo sự nghiệp, công đức của người quá vãng, thì ta có thể nói rằng: Sự nghiệp, công đức của ông Lê Văn Trung là lớn nhất ở Nam Kỳ nầy vậy”.