Món ăn vạn người mê, 'cuốn' vị giác nhưng lại là 'quả bom' chực chờ gây ung thư: Người Việt vẫn vô tư ăn

Admin

01/05/2025 20:13

Đây là món ăn đang rất thịnh hành trên các con phố với giá rẻ, 'cuốn' vị giác khiến nhiều người mê mẩn ăn thường xuyên.

Hiện nay, ở các cổng trường, khu vui chơi, giải trí, những kệ bán các món xiên vẫn luôn là tụ điểm ăn uống hút khách. Những món xiên rất đa dạng, từ cá, tôm đến heo, bò…, có giá rất rẻ, chỉ từ 5.000-10.000đ/xiên.

Đây là một trong những món ăn 'cuốn' vị giác khiến cho người lớn trẻ con đều muốn thử. Tuy nhiên, việc ăn các món xiên này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ.

Theo ThS.BSNT Đặng Thị Tâm - Chuyên khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) - các thực phẩm xiên với giá rất rẻ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ với người ăn. Một số tác nhân có thể kể tới như: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm, mốc.

Các món xiên này có thể chứa các hoá chất chất bảo quản, kháng sinh cấm hoặc hóa chất vượt quá nồng độ giới hạn cho phép. Chưa kể tới việc chiên rán thực phẩm ở nhiệt độ cao, dầu chiên đi chiên lại (có mùi khét) sinh ra chất độc hại cho cơ thể, thậm chí ung thư.

Món ăn vạn người mê, 'cuốn' vị giác nhưng lại là 'quả bom' chực chờ gây ung thư: Người Việt vẫn vô tư ăn- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Theo bác sĩ Tâm, các món ăn xiên giá rẻ này còn được gọi là “xiên bẩn”. Khi sử dụng, nguy cơ cấp tính có thể kể tới là ngộ độc. Tuy nhiên, đa số các thực phẩm này không gây ngộ độc ngay, mà nó tác động từ từ, gây hậu quả nặng nề cho người sử dụng.

“Khi được tích lũy dần dần trong cơ thể qua thời gian, chúng sẽ trở thành “quả bom hẹn giờ” gây ra những hậu quả nghiêm trọng và không thể phục hồi”, bác sĩ Tâm khuyến cáo.

Chất độc tiềm ẩn trong món "xiên bẩn"

Theo bác sĩ Tâm, một số độc chất có thể xuất hiện trong các món “xiên bẩn” gồm:

- Kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen (thạch tín): có thể nhiễm từ nguồn nước, đất ô nhiễm hoặc dụng cụ chế biến không an toàn. Những kim loại này tích tụ lâu dài trong gan, thận, hệ thần kinh, gây suy gan, suy thận, sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson, thậm chí suy tủy xương dẫn đến thiếu máu, giảm bạch cầu.

- Kháng sinh và chất kích thích tăng trọng: thường tồn dư từ các loại thịt không rõ nguồn gốc. Khi tích tụ trong cơ thể, chúng có thể gây loạn nhịp tim, rối loạn thần kinh, mất ngủ, lo âu, suy nhược thần kinh... và khiến cơ thể đề kháng kháng sinh.

- Thuốc bảo vệ thực vật: tồn dư trên rau, củ, quả chế biến cùng thực phẩm có thể gây rối loạn nội tiết, tổn thương gan, thận, hệ miễn dịch.

- Aflatoxin – độc tố vi nấm: thường có trong đậu nành, lạc, ngô mốc – là một trong những chất gây ung thư gan mạnh nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo. Chất này không bị phá hủy ở nhiệt độ nấu thông thường và dễ dàng tích tụ.

Theo đó, việc tiêu thụ thực phẩm chứa các độc chất nói trên, dù không thường xuyên, vẫn có thể gây ung thư (đặc biệt ung thư gan, đại tràng, dạ dày); rối loạn chức năng cơ thể kéo dài như mất ngủ, suy nhược, đau đầu, rối loạn tiêu hóa; suy giảm nội tiết, giảm khả năng sinh sản, vô sinh; quái thai, dị tật bẩm sinh nếu mẹ mang thai bị nhiễm độc…

Cách chọn thực phẩm ăn toàn

Từ những cảnh báo nêu trên, bác sĩ Tâm khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức lựa chọn thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe lâu dài:

- Chọn nơi mua uy tín: Ưu tiên siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ hoặc các cơ sở có chứng nhận an toàn thực phẩm.

- Truy xuất nguồn gốc rõ ràng: Chọn sản phẩm có tem nhãn, thông tin sản xuất, hạn dùng, nơi kiểm định rõ ràng.

- Ưu tiên thực phẩm theo mùa, tươi mới, không biến màu, không có dấu hiệu hư hỏng hay nấm mốc. Tuyệt đối không dùng phần “cắt bỏ mốc” vì độc tố có thể đã lan rộng.

- Kiểm tra kỹ bao bì, thành phần, hạn sử dụng: Tránh sản phẩm rách, méo mó, không rõ nguồn gốc.

- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh: Loại thực phẩm này thường chứa chất bảo quản, phẩm màu, muối, đường và chất béo chuyển hóa cao – các yếu tố nguy cơ gây nhiều bệnh mạn tính.

- Ưu tiên phương pháp chế biến lành mạnh: Luộc, hấp, nướng thay vì chiên rán giúp giảm dầu mỡ và giữ được giá trị dinh dưỡng.