Đại học top đầu vẫn hiếm sinh viên thi tuyển vào ngành
Ít ai ngờ rằng tại một trong những trường đại học danh giá bậc nhất thế giới như Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) lại tồn tại một ngành học đặc biệt đến mức… chỉ có một sinh viên theo học mỗi năm. Bức ảnh tốt nghiệp của một cô gái đứng một mình trong khung hình dưới đây không phải là hình ảnh cá nhân mà chính là ảnh tốt nghiệp đại diện cho toàn bộ sinh viên của một ngành học trong năm đó.

Nữ sinh viên Tiết Dật Phàm - tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh năm 2010
Ngành học được nhắc đến là Cổ sinh vật học, chuyên ngành nghiên cứu sự phát triển của sự sống trên Trái Đất thông qua hóa thạch động thực vật cổ đại. Từ khi được thành lập, ngành này tại Đại học Bắc Kinh chưa bao giờ thu hút đông đảo người học. Trong suốt 9 năm liên tiếp, trường chỉ tuyển được tổng cộng 6 sinh viên – trung bình mỗi năm có nhiều nhất 1 người, có năm còn không có ai nhập học.
Tiết Dật Phàm, nữ sinh duy nhất trong bức ảnh tốt nghiệp năm 2010 chính là một trong số ít sinh viên đã theo đuổi ngành học đặc biệt này. Cô chia sẻ, việc lựa chọn ngành Cổ sinh vật học là xuất phát từ niềm đam mê từ nhỏ, dù biết rõ đây là một lĩnh vực ít người theo học và cơ hội nghề nghiệp cũng không rộng mở.
Tiết Dật Phàm nói thêm, trong 4 năm đại học, nữ sinh này gần như hoạt động một mình. Không có bạn cùng lớp để học nhóm, không có ai đồng hành trong các buổi thực hành, nhưng Tiết Dật Phàm chưa từng thấy hối hận vì đã chọn ngành này.
Theo cô, nguyên nhân khiến ngành học này mỗi năm chỉ tuyển một người không chỉ nằm ở việc ít người đăng ký mà còn vì yêu cầu đầu vào vô cùng khắt khe. Dù không có sự cạnh tranh, sinh viên muốn trúng tuyển vẫn phải đáp ứng các tiêu chí học thuật nghiêm ngặt như những ngành "hot" khác trong trường.
Chương trình đào tạo ngành Cổ sinh vật học cũng nổi tiếng là “nặng đô” với khối lượng học tập lớn, nhiều môn học chuyên sâu và yêu cầu cao về tư duy nghiên cứu cũng như tính kiên nhẫn. Không ít sinh viên dù có quan tâm ban đầu cũng chùn bước trước khi nộp hồ sơ.
Tại Trung Quốc, ngoài Đại học Bắc Kinh, hiện chỉ có Đại học Sư phạm Thẩm Dương và Đại học Nam Kinh đào tạo ngành này. Trong đó, Đại học Nam Kinh chỉ tuyển sinh 2 năm một lần.
Sau Tiết Dật Phàm, năm 2016, nam sinh An Vĩnh Duệ (sinh năm 1994) bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội vì là người tiếp theo trở thành sinh viên hiếm hoi tốt nghiệp ngành Cổ sinh vật học của Đại học Bắc Kinh. Nhiều người gọi anh là nam sinh “cô đơn” nhất trong lễ tốt nghiệp, vì trong những bức ảnh chỉ có duy nhất một mình An Vĩnh Duệ cùng các thầy cô trong khoa.

An Vĩnh Duệ một mình trong ảnh tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh năm 2016
"Chuyên ngành cô đơn nhất" nhưng không lặng lẽ
Dù có số lượng sinh viên ít ỏi, ngành Cổ sinh vật học vẫn được Đại học Bắc Kinh duy trì và đầu tư mạnh. Trường xây dựng đội ngũ giảng viên là các giáo sư đầu ngành, nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng đào tạo không thua kém bất kỳ ngành học nào khác. Điều này khiến nhiều người bất ngờ, bởi ở các trường đại học khác, nếu một môn học quá ít sinh viên đăng ký, rất có thể sẽ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, với Cổ sinh vật học, điều đó chưa bao giờ xảy ra.
Các giảng viên không chỉ giảng dạy theo giáo trình cố định mà còn điều chỉnh linh hoạt bài giảng để phù hợp với trình độ và nhu cầu của từng sinh viên, điều mà hiếm ngành nào có được.
Về cơ hội nghề nghiệp, nhiều người cho rằng ngành học này “vừa tốn kém vừa khó xin việc”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không hẳn như vậy. Một số sinh viên tốt nghiệp ngành Cổ sinh vật học tại Đại học Bắc Kinh hiện đang làm việc tại các viện nghiên cứu, bảo tàng, các dự án khảo cổ quy mô lớn, thậm chí tham gia vào lĩnh vực giáo dục hoặc các ngành công nghiệp liên quan đến dữ liệu sinh học, môi trường.
Một số khác tiếp tục nhận học bổng nghiên cứu tại các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Trong đó, chính Tiết Dật Phàm cũng đã nhận được học bổng sau đại học và hiện đang theo đuổi con đường nghiên cứu chuyên sâu.
Dù là một ngành học “hiếm hoi” về số lượng sinh viên, Cổ sinh vật học tại Đại học Bắc Kinh vẫn được xem là một mắt xích quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học, góp phần gìn giữ và phát triển tri thức về lịch sử sự sống. Với những sinh viên như Tiết Dật Phàm và An Vĩnh Duệ, sự lựa chọn tưởng chừng đơn độc ấy lại trở thành một con đường đầy bản lĩnh nơi đam mê được trân trọng và phát triển một cách sâu sắc.
(Theo Sohu)
Hoặc