Nỗi niềm của những người bắt đầu lại công việc ở tuổi U40: Không có đường lùi, tự trấn an ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’

Admin

05/07/2025 20:11

Năm 2025, làn sóng “layoff” diễn ra ở mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi. Với những người ở độ tuổi U40 họ đã phải lựa chọn nghề nghiệp như nào khi còn quá sớm để “nghỉ hưu non”?

Việc bắt đầu một công việc mới ở độ tuổi U40 có thể là một hành trình đầy thách thức nhưng cũng không kém phần thú vị. Ở độ tuổi này, nhiều người đã tích lũy được kinh nghiệm sống, kỹ năng đa dạng và sự trưởng thành trong tư duy, nhưng đồng thời cũng đối mặt với những rào cản như sự cạnh tranh từ các thế hệ trẻ hơn, định kiến về tuổi tác hay áp lực tài chính.

Bắt đầu lại từ con số 0, dù không ít lo lắng.

Chị Hồng Linh (35 tuổi, Hà Nội) từng là nhân viên văn phòng “ngày làm 8 tiếng, lương tháng ổn định”. Chị từng nghĩ mình sẽ làm công việc này đến lúc nghỉ hưu, rồi chợt “Mình nằm trong danh sách cắt giảm. Ban đầu thực sự rất hoang mang, vì ở tuổi này, ai cũng muốn có một công việc an toàn, ít biến động”, chị Linh chia sẻ.

Nỗi niềm của những người bắt đầu lại công việc ở tuổi U40: Không có đường lùi, tự trấn an ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’- Ảnh 1.

Chị Hồng Linh rất lo lắng, hoang mang khi mình nằm trong danh sách cắt giảm.

Sau khi nghỉ việc, chị Linh đã cho mình một quãng nghỉ để suy nghĩ, chị bộc bạch: “Sau chút thời gian nhìn lại, mình thấy biết đâu đây chính là món quà của vũ trụ dưới hình thức ‘’can thiệp thô bạo’’, buộc mình phải dừng lại, nhìn sâu và hỏi mình thật sự muốn gì. Điều mình muốn là có một công việc thu nhập ổn định, có thời gian dành cho con cái và chủ động thời gian dành cho việc phát triển bản thân”.

Khi xác định rõ những điều bản thân muốn, chị Hồng Linh đã chọn “khởi nghiệp” với tiệm trà trái cây online. Với nguồn gốc gia đình ở Lạng Sơn đã mở tiệm trà trái cây 3-4 năm, hoạt động kinh doanh khá ổn định, chị Linh đã về quê 1 tuần để học hỏi từ cách làm trà, mối hoa quả sạch…“ Nguồn trái cây ngon, sạch từ tận miền Tây mẹ cũng chỉ cho mình, cộng thêm kinh nghiệm mẹ chia sẻ nên mình tự tin hơn rất nhiều”, chị Linh nói.

Nỗi niềm của những người bắt đầu lại công việc ở tuổi U40: Không có đường lùi, tự trấn an ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’- Ảnh 2.
Nỗi niềm của những người bắt đầu lại công việc ở tuổi U40: Không có đường lùi, tự trấn an ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’- Ảnh 3.

Chị Linh chọn bắt đầu lại bằng công việc hoàn toàn mới đó là bán trà trái cây online.

Không còn lo lắng về hiệu suất hay deadline nhưng đồng nghĩa với việc không lương hưu, không bảo hiểm, mọi chi phí đều phải tự tính toán. Chị Linh bày tỏ: “Từ việc tạo dựng thương hiệu, marketing online, cho đến quản lý vận hành… tất cả đều mới mẻ so với thời còn làm văn phòng.”

Khác với chị Hồng Linh, chị Thanh Yên (42 tuổi, Hải Phòng) từng làm nhân viên ngân hàng lựa chọn ở nhà “full time” chăm sóc con cái: “Đợt layoff cũng gần dịp 2 đứa con mình nghỉ hè nên thay vì những năm trước gửi con về quê hay cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa thì mình đã dành cả mùa hè cho con. Mình cũng kiếm việc làm thêm online tranh thủ lúc rảnh rỗi”.

Chị Yên chia sẻ thêm: “Lúc đầu mình cũng lo lắng lắm, cũng loay hoay tìm việc công việc mới. Nhưng mọi thứ không suôn sẻ. Mình stress kinh khủng. Nhưng lúc ngồi tâm sự với chồng, chồng mình bảo: “Hay coi đây là quãng nghỉ, em dành mùa hè này cho con”. Và mình đã làm theo, mình chọn sống chậm lại”.

Chị Hằng Trần (31 tuổi, Hà Nội) làm biên tập viên cho một trang tin điện tử, công việc chủ yếu là viết lách, sản xuất nội dung, chị gắn bó cũng được khoảng 8 năm.

“Đến năm 2024, mình bắt đầu có những trăn trở khác. Mình muốn thử sức làm lĩnh vực truyền thông chuyên sâu hơn nên mình đã chọn chuyển hướng. Dù đó là lựa chọn xuất phát từ mong muốn thật sự của bản thân, nhưng phải nói thật, khi thay đổi công việc ở độ tuổi 30 và đã có gần một thập kỷ làm ở một lĩnh vực quen thuộc, chị từng trải qua khá nhiều cảm xúc lẫn lộn. Có những giai đoạn chị cảm thấy chênh vênh, mất phương hướng, thậm chí hoài nghi bản thân”, chị Hằng bộc bạch.

Nỗi niềm của những người bắt đầu lại công việc ở tuổi U40: Không có đường lùi, tự trấn an ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’- Ảnh 4.

Chị Hằng tự mình thay đổi công việc sau 8 năm gắn bó cũng gặp không ít khó khăn khi bắt đầu lại.

Công việc mới của chị Hằng là làm truyền thông cho một bệnh viện ở Hà Nội. Do có nền tảng làm nội dung khá vững nhưng chị cũng bị “ngợp” bởi công việc mới.

“Vì lĩnh vực y tế có đặc thù riêng như chuyên môn sâu, khái niệm phức tạp và thông tin rất nhạy cảm… nên thời gian đầu mình rất bỡ ngỡ. Thêm môi trường hoàn toàn mới: Từ cách vận hành nội bộ, cách làm việc với bác sĩ, đến nhịp độ công việc… Mọi thứ đều đòi hỏi mình phải quan sát, lắng nghe và điều chỉnh liên tục. Có những ngày đi làm về rất mệt, cảm giác “đuối” vì chưa bắt kịp”.

“Sau cơn mưa, trời lại sáng”

Trong quá trình khởi nghiệp, chị Hồng Linh cũng gặp không ít khó khăn để làm thế nào để khách hàng biết đến mình, chăm sóc khách hàng như nào để họ quay lại, tính toán nguồn nguyên liệu.

Nỗi niềm của những người bắt đầu lại công việc ở tuổi U40: Không có đường lùi, tự trấn an ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’- Ảnh 5.
Nỗi niềm của những người bắt đầu lại công việc ở tuổi U40: Không có đường lùi, tự trấn an ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’- Ảnh 6.

Sau một thời gian, tiệm trà online của chị Linh cũng dần đi vào ổn định.

“Chị và em gái làm từ A-Z, vừa pha nước, vừa đăng bài, vừa trả lời khách, vừa lên đơn rồi đặt ship. Có hôm chốt đơn và gọt hoa quả chuẩn bị đến 1-2 giờ sáng. Thi thoảng mình thấy hơi mệt, nhưng được nhiều người ủng hộ và biết đến mình biết ơn vô cùng”, chị Linh chia sẻ.

Từ một nhân viên ngân hàng với mức lương khá, chị Yên tìm được một công việc online với mức thu nhập chỉ bằng ⅓ thu nhập cũ nhưng chị có dành nhiều thời gian cho con cái. “Mình thấy vui vì quãng thời gian này. Cuối tuần cùng cả gia đình tổ chức các hoạt động như dã ngoại hoặc đơn giản là về quê khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn. Cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên”.

Nỗi niềm của những người bắt đầu lại công việc ở tuổi U40: Không có đường lùi, tự trấn an ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’- Ảnh 7.

Chị Hằng thấy mình trưởng thành hơn khi dám thay đổi bản thân.

Sự thay đổi công việc của chị Hằng Trần cũng giúp chị “mở khóa bản thân”, chị nói: “Nhờ công việc này mà mình học được cách kiên nhẫn hơn, biết chậm lại để hiểu sâu hơn, thay vì vội vàng như trước.

Nhìn lại, mình thấy hành trình này không dễ, nhưng cũng rất đáng giá. Vì nó giúp mình không chỉ trưởng thành trong nghề, mà còn thay đổi cả cách nhìn về ý nghĩa của công việc mình đang làm.”

Ảnh: NVCC