Bầu các chức danh tại kỳ họp gần nhất
Bộ Nội vụ đã hoàn tất dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), xin ý kiến các cơ quan trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9. Dự thảo quy định rõ quy trình từ chức , miễn nhiệm, bầu các chức danh lãnh đạo ở địa phương.
Liên quan đến quy trình bầu các chức danh, dự thảo quy định, HĐND bầu chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban của HĐND trong số đại biểu theo danh sách đề cử. Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND bầu các chức danh này theo đề nghị của thường trực HĐND khóa trước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: TTXVN.
Trường hợp khuyết thường trực HĐND cấp tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ định chủ tọa kỳ họp. Nếu khuyết thường trực HĐND cấp cơ sở, thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định chủ tọa kỳ họp.
Trong khi đó, HĐND sẽ bầu chủ tịch UBND theo giới thiệu của chủ tịch HĐND , bầu phó chủ tịch, ủy viên UBND theo giới thiệu của chủ tịch UBND. Chức danh chủ tịch UBND không nhất thiết là đại biểu HĐND.
Cũng theo dự thảo, trong quá trình bầu các chức danh, nếu có đại biểu ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách thì cơ quan thường trực sẽ trình HĐND xem xét, quyết định. Riêng tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa, chủ tọa kỳ họp trình HĐND xem xét, quyết định.
Về từ chức, miễn nhiệm , dự thảo nêu rõ người được bầu nếu “vì lý do sức khỏe” hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.
Trong trường hợp này, người xin từ chức phải làm đơn và gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu HĐND đã bầu chức vụ đó. Thời điểm miễn nhiệm người xin từ chức diễn ra tại kỳ họp gần nhất.
Quy định về tạm đình chỉ, thôi làm nhiệm vụ
Đối với việc tạm đình chỉ, thôi làm nhiệm vụ, theo dự thảo, thường trực HĐND quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu trong 2 trường hợp.
Thứ nhất, đại biểu HĐND bị khởi tố. Trường hợp thứ hai là trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử , thi hành án đã có văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu đó.
Bên cạnh đó, đại biểu được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp khác khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định, kết luận về việc không có vi phạm, không xử lý kỷ luật, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội, hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.
“Trường hợp đại biểu bị xử lý kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu hoặc Thường trực HĐND xem xét, quyết định việc cho tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu hoặc đề nghị HĐND bãi nhiệm ”, dự thảo nêu rõ.
Ngoài ra, đại biểu không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì cũng bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm. Thường trực HĐND quyết định việc đưa ra HĐND bãi nhiệm hoặc theo đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp đưa ra để cử tri bãi nhiệm.
Trong trường hợp HĐND bãi nhiệm thì phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu biểu quyết tán thành. Trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trường hợp đại biểu bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.
“Trường hợp đã thôi làm nhiệm vụ đại biểu, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc bị mất quyền đại biểu thì đương nhiên thôi đảm nhiệm các chức vụ trong thường trực HĐND, ban của HĐND”, dự thảo luật nêu rõ.
Hoặc