Duy* (hiện 30 tuổi, quê Ninh Bình) từng là một kỹ sư trẻ đầy hoài bão. Với tài năng sáng tạo và niềm đam mê, anh sớm ghi dấu ấn trong các dự án lớn nhỏ tại Hà Nội. Thế nhưng, sau những năm tháng thức đêm làm việc, sống vội cùng deadline và ăn nhiều mì gói, nước ngọt, Duy phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình. Anh anh nhận chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối ở tuổi 28.
Công việc của Duy luôn gắn liền với áp lực sáng tạo và thời hạn gắt gao. Có những tuần, anh gần như không biết ngày đêm, thức đến 3-4 giờ sáng, chợp mắt vài tiếng rồi lại lao vào việc.
Vì muốn theo kịp tiến độ, anh đánh đổi bằng sức khỏe. Buổi sáng lỡ giờ ăn, buổi tối anh ăn qua loa bằng gói mì tôm hoặc lon nước ngọt để chống đói.
“Tôi từng nghĩ mình trẻ, cơ thể còn khỏe, chịu được. Những mệt mỏi, đau lưng, buồn nôn thoáng qua, tôi đều bỏ qua”, Duy chia sẻ.
Cũng như nhiều người trẻ khác, Duy không đi khám sức khỏe định kỳ. Cơ thể dần xuống sức nhưng anh chỉ cho là vì stress. Cho đến một buổi sáng đầu năm 2023, Duy thức dậy với cơ thể rã rời, mệt mỏi như chưa từng được ngủ.
“Tôi không thể tập trung, ăn vào là buồn nôn, hai mắt thì phù nhẹ. Lúc đó tôi mới chịu đi khám”, Duy kể.

Một người trẻ chạy thận tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Ảnh: V.L).
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau các xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ chẩn đoán Duy mắc suy thận mạn giai đoạn cuối (khi đó Duy mới 28 tuổi). Chức năng lọc của thận giảm nghiêm trọng, buộc phải điều trị bằng lọc máu chu kỳ và chuẩn bị ghép thận để duy trì sự sống.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân suy thận của Duy có thể đến từ viêm cầu thận mạn tính - một căn bệnh diễn biến âm thầm, không triệu chứng rõ ràng trong nhiều năm. Khi kết hợp với lối sống thiếu khoa học, ngủ muộn, ăn uống kém lành mạnh, tình trạng của thận càng trầm trọng hơn.
Sau một năm chạy thận tại Bệnh viện E, Duy hiện đang được chuyển sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để thực hiện các bước chuẩn bị ghép thận. Người hiến thận cho Duy là mẹ anh - người phụ nữ thôn quê chất phác, không chút đắn đo khi quyết định “chia sẻ một phần cơ thể” để con trai mình có thêm cơ hội sống.
Ngày đợi ghép thận đang đến gần, Duy sống chậm hơn, trân trọng hơn từng khoảnh khắc. Anh cũng muốn chia sẻ hành trình của mình để cảnh báo những người trẻ khác.
Duy nhắn nhủ: “Hãy quý trọng sức khoẻ, đừng phớt lờ những cảnh báo của cơ thể. Nếu thấy trong người khó chịu cần phải đi khám ngay. Với những người đang có thói quen thức khuya, hay ăn mì tôm, cần bỏ sớm để tránh gây ra thêm áp lực cho thận”, Duy nói.
Hãy kiểm tra sức khoẻ định kỳ!
Theo TS.BS Trương Quý Kiên, Khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, suy thận mạn là căn bệnh tiến triển âm thầm, thường không biểu hiện rõ ràng cho đến khi đã ở giai đoạn nặng. Để phát hiện bệnh sớm, mỗi người nên đi kiểm tra sức khỏe ít nhất 3–6 tháng một lần, trong đó đặc biệt lưu ý xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm này là một phương pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc sàng lọc các tổn thương thận tiềm ẩn.
Hiện nay, người trẻ đối mặt với bệnh thận sớm là do chế độ ăn thiếu cân đối, ăn nhiều muối và đồ chiên rán, uống ít nước, nhịn tiểu thường xuyên... làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tiểu đường, viêm thận, sỏi thận. Việc căng thẳng, thiếu ngủ, stress kéo dài cũng âm thầm cộng hưởng, khiến thận suy yếu dần theo thời gian ở những người đã có bệnh thận từ trước.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Hoặc