Việt Nam có loại hạt đắt đỏ bậc nhất thế giới: Là "kho" dưỡng chất quý, tiềm năng phòng ung thư

Admin

08/07/2025 00:14

Loại hạt này chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe và có giá thành rất đắt đỏ. Việt Nam tự hào khi đã trồng và xuất khẩu loại hạt này sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Loại hạt được nhắc tới là hạt mắc ca. Theo trang tin Business Insider, hạt mắc ca là loại hạt đắt đỏ bậc nhất thế giới. Một túi hạt mắc ca khoảng 0,45kg có giá khoảng 30 USD (khoảng gần 800.000 đồng). Business Insider đánh giá hạt mắc ca có giá cao gần gấp đôi so với các loại hạt khác như hạnh nhân, hạt điều,...

Hạt mắc ca có nguồn gốc từ Úc, nhưng cây du nhập vào Việt Nam từ những năm 1990. Cây được trồng ở nhiều khu vực khác nhau chẳng hạn như Tây Nguyên, Lâm Đồng, Gia Lai, Lai Châu, Sơn La,...

Hạt mắc ca của Việt Nam có chất lượng tốt và đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạt mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 21 quốc gia, trong đó có Thái Lan, Đức, Malaysia, Hà Lan, Mỹ…

Việt Nam có loại hạt đắt đỏ bậc nhất thế giới: Là "kho" dưỡng chất quý, tiềm năng phòng ung thư- Ảnh 1.

Việt Nam trồng và xuất khẩu hạt mắc ca.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, hạt mắc ca còn chứa nhiều dưỡng chất quý, tốt cho sức khỏe.

“Kho” dưỡng chất quý trong hạt mắc ca

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 28g hạt mắc ca (khoảng 10 - 12 hạt), có chứa: 204 calo; 23g chất béo (hơn 80% là chất béo không bão hòa đơn); 3g chất xơ cùng các loại vitamin như B1 (chiếm 22% DV - giá trị dinh dưỡng hàng ngày), vitamin B6 (5% DV) và các loại khoáng chất như mangan (58% DV), đồng (11% DV), magiê (9% DV), sắt (6% DV)...

Với hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú, hạt mắc ca đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Lợi ích của hạt mắc ca

1. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ từ 8–42g hạt mắc ca mỗi ngày có thể giúp giảm tới 10% nồng độ cholesterol toàn phần và cholesterol “xấu” LDL. Ngoài ra, tiêu thụ từ 42–84g hạt mắc ca mỗi ngày có thể giúp giảm dấu hiệu viêm và nguy cơ mắc bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ

Lợi ích này chủ yếu đến từ lượng chất béo không bão hòa đơn và chất tocotrienol - một dạng vitamin E có đặc tính chống oxy hóa mạnh - trong hạt mắc ca.

Việt Nam có loại hạt đắt đỏ bậc nhất thế giới: Là "kho" dưỡng chất quý, tiềm năng phòng ung thư- Ảnh 2.

Hạt mắc ca giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch hiệu quả.

2. Giảm nguy cơ mắc tiểu đường

Theo chuyên trang sức khỏe Mỹ WebMD, nghiên cứu cho thấy hạt mắc ca có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2. Điều này là do hạt mắc ca chứa chất xơ, chất béo không bão hòa đơn giúp ổn định chỉ số đường huyết.

3. Hỗ trợ giảm cân

Hạt mắc ca vẫn có thể hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Điều này là do hạt mắc ca giàu protein và chất xơ – hai thành phần giúp tăng cảm giác no, hạn chế cơn thèm ăn.

4. Cải thiện sức khỏe đường ruột

Hạt mắc ca giàu chất xơ giúp cải thiện tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường ruột. Cụ thể, chất xơ hòa tan trong hạt mắc ca có vai trò như prebiotic – “thức ăn” nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong ruột.

Lợi khuẩn phát triển sẽ sản sinh ra các axit béo chuỗi ngắn như acetate, butyrate và propionate. Những chất này giúp giảm viêm và bảo vệ đường ruột khỏi các bệnh như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích (IBS), hội chứng Crohn và tình trạng loét đại tràng, trang Healthline viết.

Việt Nam có loại hạt đắt đỏ bậc nhất thế giới: Là "kho" dưỡng chất quý, tiềm năng phòng ung thư- Ảnh 3.

Món salad gà thêm hạt mắc ca.

5. Một số lợi ích tiềm năng khác

Các nghiên cứu bước đầu cho thấy hạt mắc ca còn có thể mang lại một số lợi ích tiềm năng như:

- Phòng ngừa ung thư: Các nghiên cứu trong ống nghiệm phát hiện ra rằng hợp chất thực vật như flavonoid và tocotrienol có trong hạt mắc ca có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

- Bảo vệ sức khỏe não bộ: Tocotrienol trong hạt mắc ca cũng có thể giúp bảo vệ tế bào não khỏi các bệnh như Alzheimer và Parkinson – theo các nghiên cứu trên động vật và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.