Vụ việc Mái ấm Hoa Hồng có liên quan đến công tác quản lý

07/09/2024 20:30

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, qua vụ việc của Mái ấm Hoa hồng, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường thanh, kiểm tra.

Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật

Chiều 7/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Hồi đã thông tin về vụ bạo hành trẻ em, lợi dụng thiện nguyện tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, Tp.HCM).

Theo đó, báo chí đặt câu hỏi gần đây các cơ quan báo chí có loạt bài phản ánh về vi phạm nghiêm trọng tại Mái ấm Hoa hồng Tp.HCM. Hiện nay, có rất nhiều mái ấm thiện nguyện tự phát trên cả nước nhưng không được quản lý và có chiều hướng lợi dụng để ăn chặn, thu lợi từ tiền thiện nguyện.

Bộ LĐ-TB&XH có nắm được thực trạng này không và có giải pháp gì cho tình trạng này? Liệu có tình trạng buông lỏng của cơ quan sở tại hay không? Những đối tượng mạo danh thiện nguyện bạo hành trẻ em này sẽ bị xử lý như thế nào?

Vụ việc Mái ấm Hoa Hồng có liên quan đến công tác quản lý- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi thông tin tại họp báo (Ảnh: VGP).

Thông tin tại họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc Mái ấm Hoa Hồng ở quận 12 Tp.HCM bước đầu được xác định là vụ bạo lực, bạo hành trẻ em. Đồng thời, cũng liên quan đến yếu tố lợi dụng việc từ thiện nhân đạo.

Ngay sau khi báo chí phản ánh, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND Tp.HCM và các cơ quan ban ngành của Tp.HCM phối hợp vào cuộc, xử lý ngay vụ việc.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành Công điện số 02 gửi Tp.HCM và các cơ quan chức năng để vào cuộc xử lý.

Ông Nguyễn Văn Hồi cho biết: "Mái ấm Hoa Hồng không phải cơ sở tự phát mà được quận 12 cấp phép hoạt động. Khi vụ việc xảy ra, số lượng 86 cháu là vượt công suất được cấp phép (cấp phép chỉ được 35 cháu). 86 cháu này đã được Sở LĐ-TB&XH Tp.HCM và quận 12 đưa vào 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập để chăm sóc, bảo đảm quyền lợi của trẻ em. Có 2 cháu đã được gia đình đón về".

Cơ sở Mái ấm Hoa hồng hiện đã bị thu hồi giấy phép và tạm giữ các cá nhân, củng cố hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Áp dụng công nghệ trong giám sát 

chăm sóc trẻ

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng có liên quan đến công tác quản lý. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra kiểm tra chưa xử lý được, đó là liên quan đến buông lỏng quản lý.

"Qua vụ việc này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, rà soát trên cả nước. Đặc biệt là các cấp xã, huyện, địa phương cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra", ông Nguyễn Văn Hồi nói.

Đồng thời nhấn mạnh, cơ sở nào chưa có giấy phép hoạt động thì dừng. Cơ sở nào chưa hội tụ đủ các tiêu chí điều kiện thì khẩn trương hoàn thiện để tăng cường năng lực chăm sóc trẻ em.

"Đề nghị tăng cường áp dụng công nghệ trong việc giám sát thường xuyên, liên tục việc chăm sóc trẻ em tại các cơ sở, mái ấm", ông Nguyễn Văn Hồi cho hay.

Vụ việc Mái ấm Hoa Hồng có liên quan đến công tác quản lý- Ảnh 2.

Vụ nhiều trẻ nhỏ bị hành hạ tại Mái ấm Hoa Hồng đã khiến dư luận phẫn nộ.

Cùng với đó, tăng cường thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước về quy định liên quan đến chăm sóc bảo vệ trẻ em, đặc biệt quy định mới nhất của Nghị định số 110 của Chính phủ ban hành về công tác xã hội.

Trong đó, có một số nhóm quy định như hoạt động thiện nguyện, Nhà nước tạo các cơ hội cho các tổ chức cá nhân có thể giúp đỡ người khó khăn nhưng phải bảo đảm đúng quy trình, quy định, không được bóc lột lợi dụng, hành hạ, xâm hại các đối tượng…

Bên cạnh đó là các chính sách liên quan đến các cơ sở dịch vụ chuyên nghiệp phải tuân thủ các tiêu chí điều kiện và phải được phép hoạt động.

Về các mái ấm và cơ sở tự nguyện trên cả nước, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, theo tinh thần của Luật Trẻ em và pháp luật có liên quan, Nhà nước ta khuyến khích và có các cơ chế chính sách huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm sóc giúp đỡ cho trẻ em.

Việc thành lập và tổ chức hoạt động các cơ sở này có quy định theo các cấp: Xã, huyện, tỉnh. Quy định của pháp luật nghiêm cấm việc thiện nguyện để trục lợi, nghiêm cấm các hành vi bạo lực, bạo hành xâm hại trẻ em. Có nhiều góc độ xử lý, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì xử lý hình sự.

Các loại hình cơ sở hiện nay có nhiều và hoạt động theo cơ chế phân cấp. Tất cả các cơ sở phải hội tụ đầy đủ các tiêu chí, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chăm sóc… theo quy định.

Qua vụ việc của Mái ấm Hoa hồng, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo các địa phương, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường thanh tra kiểm tra.

Đồng thời, tăng cường công tác về truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phát hiện các vụ việc, xử lý nhanh và tăng cường công tác thanh tra kiểm tra.

ĐBQH: Cần xử lý nghiêm bảo mẫu bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng

Trước đó, vụ việc nhiều trẻ nhỏ bị hành hạ tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, Tp.HCM) đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Báo chí phản ánh tại Mái ấm Hoa Hồng đã xảy ra tình trạng ngược đãi, bạo hành nhiều trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở này.

Đây là một mái ấm tình thương tư nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi do bà Giáp Thị Sông Hương làm chủ, mở cửa từ 8h - 20h hàng ngày. Nhiều nhà hảo tâm đã đến thăm các em nhỏ và đóng góp hỗ trợ.