Đó là trường hợp của ông Lý, 64 tuổi, hiện đang sinh sống tại Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc). Theo thông tin từ Yahoo News, ông Lý là một người rất thích ăn cá biển và thường tự đi câu. Gần đây, trong một lần khám sức khỏe, ông tình cờ phát hiện bị suy thận. Lúc này, chức năng thận của ông chỉ còn một nửa.

Ông Lý rất thích ăn cá biển (Ảnh minh họa).
Nguyên nhân không ngờ gây suy thận
Bác sĩ Du Đống Mẫn, Trưởng khoa Thận, Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Trung, cho biết do nguyên nhân gây suy thận của ông Lý không rõ ràng nên ông đã được chỉ định xét nghiệm kim loại nặng. Kết quả cho thấy nồng độ asen (hay còn gọi là thạch tín) trong nước tiểu của ông Lý là 586,9 µg/L, cao gần 6 lần so với giá trị bình thường (<100 µg/L). Trong khi đó, nồng độ các kim loại nặng khác đều ở mức bình thường.
Ông Lý nghi ngờ lượng asen dư thừa trong cơ thể ông có thể liên quan đến việc ông thường xuyên ăn cá bị nhiễm asen.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, asen là một thành phần tự nhiên của vỏ Trái Đất và phân bố rộng rãi trong môi trường không khí, nước và đất. Trong hải sản, asen chủ yếu được tìm thấy ở dạng hữu cơ, ít độc hơn. Tuy nhiên, một số loài có thể nhiễm asen vô cơ do sống trong nguồn nước bị ô nhiễm. Ở dạng vô cơ, asen rất độc. Tiếp xúc lâu dài với asen vô cơ có thể dẫn đến ngộ độc asen mạn tính.

Cá sống trong vùng nước ô nhiễm có thể nhiễm asen độc hại (Ảnh minh họa).
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Environmental Health, được thực hiện trên hơn 1.600 người dân sống ở miền trung Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, việc tiếp xúc với nhiều kim loại nặng như asen, chì và cadmium trong thời gian dài có thể dẫn tới tổn thương thận. Nếu kết hợp với tình trạng thiếu axit folic hoặc tăng axit uric máu, nguy cơ này thậm chí còn tăng lên từ 2,83 - 4,16 lần.
Ở trường hợp của ông Lý, trước khi đi khám sức khỏe, ông không hề có một biểu hiện nào của nhiễm độc asen nhưng khi đi khám lại phát hiện chức năng thận đã bị ảnh hưởng. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của asen trong việc âm thầm gây tổn thương thận.
Tuy nhiên, nhờ được phát hiện và điều trị kịp thời, trong vòng 2 tháng, nồng độ asen trong nước tiểu của ông Lý đã giảm xuống mức bình thường. Chức năng thận của ông Lý cũng đã hồi phục đáng kể, gần về mức bình thường.
Bác sĩ Du lưu ý, nếu chức năng thận suy giảm mà không rõ nguyên nhân, mọi người nên cân nhắc khả năng bị nhiễm độc kim loại nặng và tiến hành xét nghiệm. Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng, đồng thời giúp phục hồi chức năng thận.
Lưu ý các triệu chứng nhiễm độc asen
Phơi nhiễm asen chủ yếu đến từ thực phẩm, nước uống. Đáng lưu ý, có những nguồn mà mọi người thường bỏ qua như động vật biển sống trong vùng biển bị ô nhiễm, thảo dược không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng chưa được kiểm định hợp pháp, các loại khoáng chất bổ sung, thuốc trừ sâu, hóa chất...
Nhiễm độc asen cấp tính thường gây khô miệng, khó nuốt, đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy như bệnh tả, mất nước, giảm huyết áp, viêm ống thận cấp, co giật, có thể tử vong sau 24 giờ.
Nhiễm độc asen mạn tính dẫn đến mệt mỏi, viêm niêm mạc, tê bì, run tay chân, rụng tóc, loét da, tổn thương gan - thận, thiếu máu, tăng nguy cơ ung thư da, phổi và xương.
(Nguồn: Tổng hợp)
Hoặc