Bình Dương sáp nhập từ 91 xuống còn 27 đơn vị cấp xã
Tại Hội nghị triển khai các văn bản mới của tỉnh và Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của tỉnh Bình Dương hôm 28/3, Ban chỉ đạo đã báo cáo dự thảo đề án tóm tắt sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, hiện nay, Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (5 thành phố, 4 huyện) và 91 đơn vị hành chính cấp xã (39 xã, 47 phường, 5 thị trấn).
Dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã còn lại 27 đơn vị hành chính cấp xã, tức là giảm 64 đơn vị. Cụ thể: TP Thủ Dầu Một sáp nhập 14 phường thành 3 phường: Phường Thủ Dầu Một, Phường Châu Thành và Phường Bình Dương.
Thành phố Dĩ An sáp nhập 8 phường thành 2 phường là phường Dĩ An và phường Tân Đông Hiệp.

Bình Dương dự kiến giảm 64 đơn vị hành chính cấp xã, phường và thị trấn - Ảnh minh họa: VnEconomy
Thành phố Thuận An sáp nhập 8 phường và 1 xã thành 2 phường là Phường Lái Thiêu và Phường Thuận An.
Thành phố Tân Uyên sáp nhập 2 xã và 10 phường thành 4 phường gồm: Phường Vĩnh Tân, phường Tân Uyên, phường Tân Hiệp và phường Tân Khánh.
Thành phố Bến Cát sáp nhập 1 xã và 7 phường thành 4 phường gồm: Phường Tây Nam, phường Bến Cát, phường Tân Định và Phường Thới Hòa (giữ nguyên hiện trạng).
Trước đó, trong danh sách các tỉnh, thành dự kiến sáp nhập do Bộ Nội vụ công bố, tỉnh Bình Dương là 1 trong 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện sắp xếp.
Cụ thể, 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp gồm: TP Hải Phòng, TP.HCM, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ và 48 tỉnh là Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Kiên Giang.
Tỉnh giàu nhất cả nước từng nhiều lần sáp nhập, chia tách
Bình Dương có diện tích khoảng 2.694 km2, dân số 2,7 triệu người, là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương thì trong lịch sử, Bình Dương là tên gọi của những đơn vị hành chính theo những cấp độ khác nhau (tổng, huyện, tỉnh) với những địa bàn lãnh thổ khác nhau.
Cụ thể, ban đầu thời mở đất phương Nam, Bình Dương là tên một tổng thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Đến năm 1808, khi huyện Tân Bình được đổi thành phủ thì Bình Dương được nâng lên một trong bốn huyện của phủ này. Năm 1956, tỉnh Bình Dương được thiết lập nhưng không phải trùng với địa bàn của huyện Bình Dương xưa kia.
Năm 1976, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước và 3 xã An Bình, Bình An, Đông Hòa của huyện Thủ Đức được sáp nhập lại tạo thành tỉnh Sông Bé.

Tỉnh Bình Dương phát triển mạnh mẽ - Ảnh: VNPlus
Đến 1/1/1997, tỉnh Sông Bé lại được chia tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Thời điểm tái lập tỉnh Bình Dương nhưng cũng không phải hoàn toàn là địa phận của tỉnh Bình Dương trước năm 1975.
Trong suốt nhiều năm, Bình Dương đã vươn mình từ một địa phương còn nhiều khó khăn trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội năng động bậc nhất cả nước. Bình Dương được biết đến là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất Việt Nam, nền công nghiệp phát triển mạnh, với nhiều khu công nghiệp lớn như VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước...
GRDP bình quân đầu người của tỉnh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, cùng với tỷ lệ đô thị hóa cao và hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.
Cụ thể, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương cao nhất cả nước là 8,076 triệu đồng/tháng, vượt xa Hà Nội (6,423 triệu đồng/tháng) và TP.HCM (6,392 triệu đồng/tháng).
Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương đạt 8,29 triệu đồng/tháng, tiếp tục dẫn đầu cả nước. Con số này cao hơn đáng kể so với 2 địa phương liền kề là Hà Nội (6,86 triệu đồng/tháng) và Đồng Nai (6,57 triệu đồng/tháng). TP HCM năm 2023 đạt mức 6,51 triệu đồng/tháng.
Hoặc